Trượt đốt sống: Nguyên nhân và mức độ bệnh

Trượt đốt sống là sự di chuyển bất thường ra phía trước của thân đốt sống cùng với cuống, mỏm ngang và diện khớp phía trên. Trượt đốt sống là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau thắt lưng do sự mất vững của cột sống thắt lưng, bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn. Theo thống kê có khoảng 2-3% dân số mắc bệnh trượt đốt sống

Jurgen Harms đã mô tả cột sống thành 2 cột: cột trước bao gồm đĩa đệm, thân đốt sống, dây chằng dọc trước, dây chằng dọc sau cột sống và cột sau bao gồm phần còn lại tính từ dây chằng dọc sau cột sống. Dưới tác động của lực theo trục dọc cơ thể, cột trụ sau sẽ chịu lực khoảng 20% và cột trụ trước chịu lực khoảng 80%. Tuy chỉ chịu 20% lực nhưng là lực căng giãn, được đối kháng bởi các thành phần khớp và dây chằng tạo thành lực căng giãn và giằng xé theo bình diện ngang nên thành phần chịu lực chủ yếu là cấu trúc khớp và eo cung đốt sống.

– Eo là phần giao nhau của gai ngang, mảnh và hai mỏm khớp trên và dưới của một thân đốt sống. Eo có vai trò quan trọng đối với sự vững chắc của cột sống. Khuyết eo là tổn thương làm mất sự liên tục của cung sau, gây nên trượt đốt sống. Nguyên nhân hình thành khe hở eo có thể là do chấn thương hoặc do di truyền

+ Thuyết chấn thương cho rằng khe hở eo là do gẫy xương

Trên thực nghiệm Hulton gây gẫy eo cung sau chỉ bằng những động tác gấp và duỗi cột sống liên tục. Chấn thương nhỏ lặp đi lặp lại liên tục gây gẫy eo, được gọi là gẫy mệt

Nguyên nhân hình thành khe hở eo còn do tư thế ưỡn của cột sống thắt lưng. Vùng eo là nơi chịu sức ép lớn nhất của đốt sống ở tư thế ưỡn. Lực chấn thương, được tạo ra do tư thế đứng thẳng và độ ưỡn của cột sống thắt lưng, tác động thường xuyên liên tục lên eo của các đốt sống thắt lưng

+ Thuyết di truyền: Những nghiên cứu dịch tễ cho thấy tỷ lệ hở eo ổn định trong một dòng họ, một dân tộc. Tỉ lệ dân có hở eo ở người da trắng, người Nhật Bản cao hơn các dân tộc khác. Người Eskimo, dân tộc thường có quan hệ hôn nhân gần, có tỷ lệ hở eo cao nhất. Điều tra dịch tễ con cái người có khe hở eo thấy tỷ lệ hở eo ở người Eskimo rất cao, có thể lên tới 69%

– Tổn thương hay gặp nhất ở cột trụ trước là thoái hoá đĩa đệm. Floman Y theo dõi tình trạng trượt tiến triển ở người trưởng thành thấy người bệnh có thoái hóa đĩa đệm đốt sống trượt mới xuất hiện đau cột sống thắt lưng. Trượt tiến triển liên quan chặt chẽ tới mức độ thoái hoá đĩa đệm. Mấu khớp các đốt sống thắt lưng có cấu tạo đặc biệt đảm bảo chức năng sinh cơ học của cột sống. Nếu diện khớp kém phát triển hoặc bị tổn thương do thoái hóa, định hướng của khe khớp thay đổi thì đốt sống trên có thể trượt ra trước. Vì vậy, khi thoái hoá cột sống sẽ gây tác động lên cả cột trụ trước và cột trụ sau gây nên trượt đốt sống.

– Chấn thương cột sống có thể gây gãy cuống, vỡ các mấu khớp gây tổn thương cột trụ sau dẫn tới mất vững cột sống và trong một số trường hợp gây TĐS. Theo Roy-Camille, khởi phát và tiến triển của trượt đốt sống cần phải có điều kiện giải phẫu đặc biệt của đoạn thắt lưng cùng nên rất hiếm có TĐS do chấn thương, tuy nhiên cần phải chú ý khi trong tiền sử có chấn thương.

– Cũng có thể gặp TĐS ở những bệnh nhân có bệnh lý nhiễm khuẩn, ung thư… gây hoại tử, phá huỷ các thành phần cột sống gây mất cân đối giữa hai trục vận động của cột sống gây ra.

– Trong một số trường hợp sau mổ thoát vị đĩa đệm, u tuỷ… phải lấy bỏ cung sau, đôi khi vô tình làm tổn thương cả diện khớp gây lên mất vững cột sống, có thể gây ra TĐS. TĐS “do thầy thuốc” được Unander – Scharin đề cập lần đầu tiên vào năm 1950

– Đôi khi do loạn dưỡng (rối loạn sự phát triển) xảy ra ngay từ nhỏ mà gây ra kém bền vững của hệ thống cột trụ nâng đỡ cơ thể. Hệ thống khớp và dây chằng không đảm bảo chức năng gây ra TĐS. Tuy nhiên giả thuyết này rất hiếm gặp

Trên thực tế lâm sàng, chủ yếu gặp TĐS do thoái hoá và khuyết eo, đôi khi gặp do chấn thương hoặc do thầy thuốc gây ra. Hiếm gặp những trường hợp do bệnh lý hay do rối loạn sự phát triển.

Phân loại trượt đốt sống theo nguyên nhân

Dựa trên phân loại của Newman, Macnab, năm 1976 Wiltse tổng hợp và đưa ra bảng phân loại chia bệnh TĐS thành sáu loại khác nhau

– Loại 1: TĐS bẩm sinh hay TĐS do rối loạn phát triển

+ Nhóm phụ 1 A: Thiểu sản mấu khớp, định hướng của khe khớp nằm trên mặt phẳng hướng ra sau, thường có dị tật gai đôi cột sống.

+ Nhóm phụ 1 B: Thiểu sản mấu khớp, định hướng của khe khớp nằm trên mặt phẳng hướng vào trong.

– Loại 2: TĐS do khe hở eo

+ Nhóm phụ 2 A: Loại khuyết eo được nhận định là do gẫy mệt.

+ Nhóm phụ 2 B: Loại trượt này phần eo cung sau dài hơn bình thường. Sự kéo dài này được giải thích là do hiện tượng gẫy xương và liền xương xảy ra liên tục ở vùng eo.

+ Nhóm phụ 2 C: Chấn thương làm gẫy eo gây trượt.

– Loại 3: TĐS do thoái hoá

– Loại 4: TĐS do chấn thương

– Loại 5: TĐS do bệnh lý

– Loại 6: TĐS sau phẫu thuật cột sống

Phân loại trượt đốt sống theo mức độ trượt

Meyerding đã dựa trên phim X quang nghiêng chia mức độ trượt đốt sống thành 04 độ. Trượt độ I khi đốt sống trượt di lệch trong vòng 1/4 chiều rộng của thân đốt sống dưới. Trượt độ II khi đốt sống trượt di lệch từ 1/4 đến 1/2 chiều rộng của thân đốt sống dưới. Trượt độ III khi đốt sống trượt di lệch từ 1/2 đến 3/4 chiều rộng của thân đốt sống dưới. Trượt độ IV khi đốt sống trượt di lệch lớn hơn 3/4 chiều rộng của thân đốt sống dưới. Có tài liệu chia 5 độ, TĐS độ V (Spondyloptosis) là khi đốt sống trượt hoàn toàn (Napoleon’s Hat)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

4 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
ducnguyen
ducnguyen
7 năm trước

tôi bị trượt đốt sống l5.gãy eo hai bên .xin hỏi điều trị gãy eo bằng cách nào .cảm ơn .

Nguyễn Doãn Long
Nguyễn Doãn Long
8 năm trước

Bố tôi năm nay 76 tuổi.Ông bị đau lưng,vùng đau quanh thắt lưng.Cứ khi đứng,đi lại hoặc ngồi là đau…cơn đau âm ỉ,có lúc nhói lên.Đi khám chụp ở BV Lão khoa thì BS chuẩn đoán là lệch đốt sống L4.Xin hỏi có cách nào chữa trị được không?