Các huyệt trên kinh thủ thái âm phế

KINH THỦ THÁI ÂM PHẾ

( mỗi bên có 11 huyệt)

A.Đường đi:

Bắt đầu từ trung tiêu (Vị) xuống liên lạc với Đại trường sau đó quay lên dạ dày (môn vị, tâm vị) xuyên qua cơ hoành lên (thuộc về) Phế. Từ phế tiếp tục lên thanh quản, họng, rẽ ngang xuống dưới hố nách rồi đi ở mặt trước ngoài cánh tay (đi ngoài hai kinh Thiếu âm tâm và Quyết âm tâm bào) xuống khuỷu, tiếp tục đi ở mặt trước cẳng tay, đến bờ trong trước đầu dưới xương quay (chỗ mạch thốn) xuống bờ ngón tay cái (Ngư tế) tận cùng ở góc móng ngón tay cái (phía xương quay)

Phân nhánh: Từ Liệt khuyết tách ra 1 nhánh đi ở phía mu tay xuống đến góc móng ngón tay trỏ (phía xương quay) và nối với kinh Dương minh Đại trường.

B.Biểu hiện bệnh lý:

  • Kinh bị bệnh: Hố trên đòn đau, đau kịch liệt thì hai tay bắt chéo ôm ngực, mắt tối sầm, tim loạn lên, mặt trong chi trên đau.
  • Tạng bị bệnh: Ngực phổi đầy tức, ho, suyễn, khó thở, khát, đái rắt, đái vàng, ngực bồn chồn, gan tay nóng, nếu cảm phong hàn có sốt, gai rét, có hoặc không có mồ hôi.

C. Trị các chứng bệnh:

Sốt. Bệnh ở phổi, ngực, họng, khí huyết ứ trệ, đái ít khó, có tác dụng hành khí hoạt huyết, lợi tiểu.

D. Các huyệt của kinh Phế:
 Xem thêm:

Trung Phủ Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Vân môn Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Thiên Phủ Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Hiệp Bạch Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Xích Trạch Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Khổng Tối Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Liệt Khuyết Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Kinh Cừ Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Thái Uyên Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Ngư Tế Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

Thiếu Thương Huyệt: Vị trí, tác dụng điều trị | Kinh thủ thái âm phế

1. Trung phủ
2. Vân môn
3. Thiên phủ
4. Hiệp bạch
5. Xích trạch
6. Khổng tối
7. Liệt khuyết
8. Kinh cừ
9. Thái uyên
10. Ngư tế
11. Thiếu thương

 

1. TRUNG PHỦ

( Huyệt Mộ của Phế, Hội của kinh Thái âm ở tay và chân )

– Vị trí: ở dưói huyệt Vân môn 1,6 tấc, từ giữa ngực đi ra hai bên đều 6 tấc, trong chỗ lõm sờ thấy mạch đập ( Đại thành ).

    Lấy ở ngoài mạch Nhâm 6 tấc, trong khoảng gian sườn 2, huyệt ở sát bờ trên xương sườn 3.

– Giải phẫu: dưới da là cơ ngực to, cơ ngực bé, cơ răng cưa to, các cơ gian sườn 2. Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh ngực to, dây thần kinh ngực bé, dây thần kinh răng to, của đám rối thần kinh nách và dây thần kinh gian sườn 2. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C4.

– Tác dụng: -Tại chỗ: Ho suyễn, đầy tức ngực, đau ngực, đau bả vai.

Cách châm cứu: Châm thẳng sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: Kết hợp Phế du, Khổng tối chữa viêm phế quản cấp và mạn. Châm dựa theo bờ trên xương sườn dưới, để tránh vào động mạch, gây chảy máu, Không được châm sâu và lệch vào trong quá, để tránh châm vào phổi có thể gây tràn khí phế mạc.

2. VÂN MÔN

– Vị trí: ở dưới xương Cự cốt, trong chỗ lõm cách ngang huyệt Khí hộ 2 tấc ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành ).

Lấy ở chỗ lõm giữa đầu xương cánh tay và xương đòn, cách mạch Nhâm 6 tấc, trong khoảng gian sườn 1, lấy huyệt ở sát bờ trên xương sườn 2.

– Giải phẫu: 

Dưới da là rãnh delta ngực, cơ ngực to, cơ delta, cơ dưới đòn, cơ răng cưa to và các cơ gian sườn 1. Thần kinh vận động là dây thần kinh ngực to, dây thần kinh mũ, dây thần kinh dưới đòn , dây thần kinh răng to của đám rối thần kinh nách và dây thần kinh gian sườn 1. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C5.

– Tác dụng: 

Tại chỗ: Ho, hen suyễn, đau ngực, đầy tức ngực, đau bả vai.

– Cách châm cứu : Châm thẳng, sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: Châm như huyệt Trung phủ.

3. THIÊN PHỦ

– Vị trí: ở dưới nách 3 tấc, trong động mạch, mé trong bắp cánh tay (Giáp ất, Phát huy)

Lấy ở chỗ gặp nhau của bờ ngoài cơ hai đầu với đường ngang cách đầu nếp nách trước 3 tấc và cách khớp khủyu 6 tấc.

– Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài cơ hai đầu cánh tay, chỗ bám của cơ cánh tay trước và cơ delta, xương cánh tay. Thần kinh vận động cơ là do các nhánh của thần kinh mũ và dây cơ-da. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C5.

– Tác dụng: 

Tại chỗ: Đau phía trước -ngoài cánh tay. 

-Theo kinh: Hen suyễn.

– Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

4. HIỆP BẠCH

– Vị trí: ở dưới huyệt Thiên phù, trên khủyu tay 5 tấc, trong động mạch (Giáp ất, Đồng Nhân, Phát huy, Đại thành).

Lấy ở điểm gặp nhau của bờ ngoài cơ hai đầu cánh tay, với đường ngang dưới đầu nếp nách trước 4 tấc và trên khớp khủyu 5 tấc.

– Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài cơ hai đầu cánh tay, cơ cánh tay trước và bờ ngoài xương cánh tay.Thần kinh vận động cơ là các nhánh dây thần kinh cơ- da.Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C5.

– Tác dụng: – Tại chỗ: Đau phía trước ngoài cánh tay.

Theo kinh: Ho tức ngực.

Toàn thân: Chảy máu mũi.

– Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

5. XÍCH TRẠCH

( Huyệt hợp thuộc Thủy)

– Vị trí: ở trên đường ngấn ngang khủyu tay trong động mạch ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Giải phẫu:

  Dưới da là bờ trong cơ ngữa dài, bờ ngoài cơ gan tay to, cơ sấp tròn, cơ gấp chung nông các ngón tay. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C5.

– Tác dụng:

– Tại chỗ và theo kinh: Đau cẳng tay, ngón tay co duỗi khó khăn, ho ra máu, hen suyễn.

– Toàn thân: Sốt không ra mồ hôi, đau họng, khàn tiếng, mất tiếng cấp.

– Cách châm cứu: Châm sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: Kết hợp với Đại chùy, Phế du: chữa Viêm phế quản cấp, viêm hạnh nhân.

    Nếu có cảm giác đau buốt hay như điện giật là châm vào màng xương, mạch máu hay thần kinh cần lùi kim lại.

 

6. KHỒNG TỐI

(Huyệt khích)

– Vị trí: từ lằn chỉ cổ tay (huyệt Thái uyên) đo lên 7 thốn , trên đường từ Thái uyên đến Xích trạch.

Lấy điểm gặp nhau của bờ trong cơ ngửa dài hay bờ ngoài của cơ gan tay to (làm động tác gấp duỗi bàn tay sẽ thấy) với đường ngang trên khớp cổ tay 7 tấc và dưới khớp khủyu 5,5 tấc.

– Tác dụng : chữa ho hen, ho ra máu, viêm họng, mất tiếng, đau do viêm quanh khớp vai, đau cánh tay, không co duỗi được cánh tay.

– Cách châm cứu: châm thẳng kim 0,5 – 0,7 thốn , cứu 3 – 7 phút.

7. LIỆT KHUYẾT

( Huyệt lạc nối với kinh Dương minh ở tay. Huyệt Giao hội của mạch Nhâm với kinh Phế)

– Vị trí: ở cạnh cổ tay lên 1,5 tấc, lấy hai bàn tay để khe ngón cái và ngón trỏ bắt chéo nhau, đầu ngón trỏ một tay đặt lên đầu xương cạnh cổ tay của tay kia,chỗ đầu ngón là huyệt. ( Đại thành)

Lấy ở chỗ đầu dưới xương quay nối với thân xương, trên khớp cổ tay 1,5 tấc. Trước và trong gân cơ ngữa dài ( làm động tác gấp, ngữa bàn tay để tìm gân cơ ngữa dài).

– Giải phẫu: dưới da là bờ trước của gân cơ ngữa dài, cơ gấp dài ngón cái, chỗ bám của cơ sấp vuông và xương quay.Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh giữa. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

– Tác dụng:  

– Tại chỗ: sưng cổ tay, đau cẳng tay.

– Theo kinh : Ho, đau ngực.

– Toàn thân: Đái vàng, đái nhiều lần,đái khó, đau họng,các bệnh ở cổ gáy.

– Cách châm cứu: Châm xiên,sâu 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.

8. KINH CỪ

(Huyệt kinh thuộc Kim)

– Vị trí: ở chỗ lõm thốn khẩu ( Giáp ất)

Lấy ở trong rãnh mạch quay, ở phía trong đầu dưới xương quay trên nếp gấp cổ tay 1 tấc.

– Giải phẫu: Dưới da là rãnh mạch quay. Rãnh tạo nên bởi gân cơ ngữa dài và mặt trong đầu dưới xương quay (ở ngoài). Gân cơ gan tay to và gân cơ gấp chung nông (ở trong). Gân cơ gấp riêng ngón tay cái và cơ sấp vuông (ở đáy rãnh).Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C6.

– Tác dụng: 

Tại chỗ:Sưng, đau cổ tay.

– Theo kinh: Ho, đau họng, đau ngực.

– Toàn thân: sốt không ra mồ hôi.

– Cách châm cứu: Châm 0,2 tấc. Không cứu.

Chú ý: Tránh châm vào động mạch và màng xương, không dùng kim tam lăng để chích máu.

9. THÁI UYÊN

( Huyệt Du thuộc Thổ, Huyệt Nguyên, Huyệt Hội của mạch)

– Vị trí: ở chỗ lõm sau bàn tay (Giáp ất)

Lấy ở chỗ rãnh mạch quay gặp nếp gấp cổ tay. Nếu có nhiều nếp gấp và xác định khó, thì gấp bàn tay vào cẳng tay, để tìm xem nếp nào là trục gấp sẽ hằn sâu hơn, nếp đó là mốc lấy huyệt.

– Giải phẫu: Dưới da là rãnh mạch quay. Rãnh ở đoạn này cấu tạo bởi gân cơ dạng dài và gân cơ duỗi ngắn ngón tay cái (ở ngoài). Gân cơ gan tay to và gân cơ gấp chung nông các ngón tay (ở trong). Gân cơ gấp dài ngón tay cái và xương thuyền (ở đáy) . Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa và dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

– Tác dụng:  

– Tại chỗ: Đau cổ tay.

– Theo kinh: Đau phía trước ngoài cẳng tay, cánh tay. Đau vai có kèm theo đau ngực. Ho ra máu,hen suyễn, ho gà.

– Toàn thân:Đau sưng họng.

– Cách châm cứu: Châm chếch lên trên, sâu 0,2 tấc.

Chú ý: Kết hợp Nội quan, Tứ phùng chữa ho gà. Tránh châm vào động mạch.

10. NGƯ TẾ

( Huyệt Huỳnh thuộc Hỏa)

– Vị trí: ở trong tán mạch, phía sau đốt xương cuốn ngón tay cái ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy)

Lấy ở chỗ tiếp giáp của da gan tay và da mu tay, ngang giữa chiều dài của xương bàn tay 1 ( cần sờ kỹ để xác định 2 đầu xương bàn tay 1)

– Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài cơ dạng ngắn ngón tay cái, cơ đối ngón tay cái, bờ ngoài cơ gấp ngắn ngón tay cái, xương bàn tay 1. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đọan thần kinh C6.

– Tác dụng:  

– Tại chỗ: Đau bàn tay, nóng bàn tay.

– Theo kinh: Ho, ho ra máu.

– Toàn thân: Sốt, đau đầu, đau sưng họng.

– Cách châm cứu: Mũi kim hướng về lòng bàn tay,sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Cự cốt, Xích trạch chữa ho ra máu.

 

11. THIẾU THƯƠNG

( Huyệt Tỉnh thuộc Mộc)

– Vị trí: ở mé ngoài ngón tay cái, cách gốc móng tay bằng lá hẹ (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành)

Lấy ở chỗ gặp nhau của đường tiếp giáp da gan tay mu tay phía ngoài ngón tay cái và đường ngang qua gốc móng tay cái.

– Giải phẫu: Dưới da là xương, huyệt ở dưới chỗ bám của gân cơ duỗi dài ngón tay cái.Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

– Tác dụng: – Tại chỗ: Đau ngón tay, ngón tay co rút.

– Theo kinh: Ho, khí nghịch.

– Toàn thân: Trúng phong, hôn mê, sốt cao, co giật, đau họng, sưng hàm, sưng lưỡi, chảy máu mũi.

– Cách châm cứu: Châm hướng kim về phía bàn tay, châm xiên dưới da sâu 0,1 tấc.

Nếu sốt cao, hôn mê, sưng họng cấp dùng kim tam lăng trích nặn máu.

Chú ý: Trích nặn máu Thiếu thương kết hợp với châm  Hợp cốc, chữa viêm Amiđan cấp.

Tránh châm vào màng xương là vùng cảm giác rất mạnh nên châm rất đau.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận