Hội chứng Sudeck – Ðau loạn dưỡng do thần kinh giao cảm

Đau-loạn dưỡng do phản xạ các chi – Trần Ngọc Ân

I. Đại cương
Là một hội chứng bao gồm các dấu hiệu đau, rối loạn vận mạch và dinh dưỡng một chi hay một đoạn chi do phản xạ, tiến triển kéo dài có thể để lại di chứng.


Hội chứng Sudeck thường xuất hiện sau một số nguyên nhân như chấn thương, bó bột, cố định, bệnh nội tạng (nhồi máu cơ tim, bệnh phổi cấp và mạn, tai biến mạch não..), sau phẫu thuật (lồng ngực, tiểu khung), dùng thuốc (barbiturat, thuốc chống lao..), cơ địa (nghiện rượu, tăng đường huyết, tăng a uric máu..)… Những nguyên nhân này thông qua đường phản xạ ngắn ở tuỷ tác động vào hệ thống thần kinh thực vật gây nên các rối loạn về thần kinh cảm giác, vận mạch và dinh dưỡng ở một chi hay một đoạn chi.
Hội chứng Sudeck thường gặp ở hai vị trí chi trên và chi dưới, các vị trí khác hiếm gặp hơn.
Hội chứng ở chi trên hay còn gọi là “hội chứng vai tay” xuất hiện từ từ hay đột ngột, diễn biến qua 3 giai đoạn

– Đau và nóng đỏ toàn bộ chi trên từ vai xuống bàn tay (giả viêm)

– Rối loạn dinh dưỡng và lạnh

– Teo  và mất chức năng vận động.

Không có biểu hiện viêm trên lâm sàng và xét nghiệm. X quang thấy tình trạng xương mất vôi lan toả hay lốm đốm. Bệnh có diễn biến kéo dài nhiều tháng tới vài năm; nếu không được đIều trị tốt thường để lại di chứng rất nặng nề ( teo cơ cả chi, cứng các khớp vai, khuỷu, cổ tay, xơ cứng da và mô dưới da).

Hội chứng ở chi dưới phần lớn gặp sau chấn thương; thường có triệu chứng ở bàn chân, cẳng chân, hiếm gặp ở cả chân (mông,đùi, cẳng , bàn chân). Các triệu chứng giống như chi trên, chia 3 giai đoạn nhưng thường không đầy đủ điển hình nên dễ chẩn đoán nhầm với một số cấc bệnh khác (viêm tắc tĩnh mạch, viêm tấy do nhiễm khuẩn, gút..)

II. Điều trị hội chứng Sudeck

1. Nguyên tắc chung
Chống đau, chống rối loạn vận mạch, chống loãng xương, phục hồi chức năng.

2. Những thuốc được dùng điều trị
– Chống đau: acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid uống hoặc tiêm
– Chống loãng xương: calcitonin , biphosphonat
– Điều chỉnh thần kinh thực vật: chẹn beta với propranolon
– Thuốc chưa rõ cơ chế: thuốc chống nấm griseofulvin
– Chống đau tại chỗ: phong bế bằng xylocain; hydrocortison acetat (tiêm vào khớp)

3. Vật lý trị liệu –  phục hồi chức năng
– Xoa bóp
– Vận động liệu pháp
–  Thuỷ trị liệu
– Siêu âm, sóng ngắn

4. Áp dụng thực tế

– Giai đoạn 1 đau nhiều, xưng tấy đỏ nhiều
+ Bất động tương đối
+ Paracetamol kết hợp codein 0,50 x 2-3 lần/ngày; pyroxicam 20mg hay diclophenac 75mg tiêm bắp x 1ống/ngày x 3 ngày, sau đó chuyển sang uống.
+ Miacalcic 50mg 1-2 ống /ngày/tiêm bắp.
+ Propranolon 20-80mg/ngày.
+ Gây tê tại chỗ bằng xylocain.

–  Giai đoạn 2 chi phù cứng, khó vận động và lạnh
+ Tập vận động chủ động và thụ động; xoa bóp, nhiệt trị liệu.
+ Thuốc chống viêm không steroid dùng đường uống, loại tác dụng kéo dài (Felden 20mg, Voltaren SR 75mg, Brexin 20mg).
+ Miacalcic 50mg/tiêm bắp
+ Propranolon 40-60mg/ngày; Griseofulvin 250-500mg /ngày
+ Tiêm hydrocortison nội khớp (nếu có viêm khớp kèm theo).

– Giai đoạn 3 teo cơ, mất vận động
+ Phục hồi chức năng, vận động liệu pháp
+ Biphosphonat uống hoăc tiêm (Fosamax 70mg uống 1 viêm mỗi tuần, hoặc truyền Aredia 60mg pha vào 250ml NaCl 0,9% truyền chậm tĩnh mạch 4 tuần/lần)
+ Griseofulvin 250mg/ngày.
+ Tiêm nội khớp (khớp vai có hiện tượng đông cứng, co thắt bao) với hydrocortison acetat, hoặc Depomedrol.

Nói chung Sudeck là một hội chứng có triệu chứng rất rầm rộ, tiến triển kéo dài; có thể để lại di chứng nặng nề, mất khả năng vận động. Cần chẩn đoán sớm, điều trị sớm và tích cực; kết hợp nhiều loại thuốc, vật lý và phục hồi chức năng; phải có sự cộng tác và kiên trì của bệnh nhân; quá trình điều trị trung bình vài tháng có khi tới 1 –2 năm.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận