Phòng tránh trật khớp háng sau mổ thay khớp háng

Ngày nay, thay khớp háng là một phẫu thuật chỉnh hình rất phổ biến, nhờ có can thiệp này mà bệnh nhân được cải thiện rõ rệt chức năng đi lại, trở về với cuộc sống gia đình và xã hội. Phục hồi chức năng (PHCN) sau mổ thay khớp háng đóng vai trò quan trọng để giúp bệnh nhân biết cách tự bảo vệ khớp háng mới thay và sớm độc lập trong sinh hoạt hằng ngày.

Thay khớp háng là phương pháp phẫu thuật hiện đại cho những bệnh nhân mất chức năng khớp háng do tổn thương khớp háng vì những nguyên nhân như: Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng, viêm khớp háng, loạn sản khớp háng và đặc biệt là gãy cổ xương đùi do loãng xương ở người cao tuổi.

Thay khớp háng là gì?

Phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ khớp háng đã bị hỏng, sau đó thay vào một khớp háng nhân tạo. Khớp háng này được gắn bằng xi măng hoặc không có xi măng (nếu không có xi măng thì sau 12 tuần, xương của bạn sẽ được gắn liền với khớp mới). Có 2 loại thay khớp háng, nếu thay cả chỏm và ổ cối thì gọi là thay khớp háng toàn bộ, nếu chỉ thay chỏm xương đùi thì gọi là thay khớp háng một phần. Tuổi thọ của khớp háng nhân tạo tùy thuộc vào chất liệu khớp, trung bình là 15 năm.

Phục hồi chức năng (PHCN) sau mổ thay khớp háng

PHCN sau mổ thay khớp háng không phức tạp, PHCN là một quá trình từ chuẩn bị trước mổ, sau mổ và sau khi ra viện. Điều quan trọng nhất của PHCN là hướng dẫn cho bệnh nhân biết phòng tránh trật khớp háng nhân tạo sau mổ.

Nguy cơ trật khớp háng sau mổ từ 0,5-4%, tùy thuộc vào kỹ thuật mổ, tình trạng bệnh kèm theo, sự hiểu biết, sự phối hợp của gia đình và bệnh nhân. Để khớp háng nhân tạo được liền tốt thì cần có thời gian trung bình là 3 tháng, lúc này xương đùi đã gắn liền với thân khớp, bao khớp giả đã được hình thành do đó khớp háng được vững chắc hơn, nguy cơ trật khớp sẽ giảm dần. Chính vì vậy, bệnh nhân cần được giáo dục phòng tránh trật khớp háng sau mổ, đặc biệt trong vòng 3 tháng đầu sau mổ. Tư thế dễ gây trật khớp háng là: gập-khép và xoay trong phối hợp.

Chuẩn bị phòng cho bệnh nhân sau mổ

Giường cần được kê cao sao cho khi bệnh nhân ngồi khớp háng không bị gập quá 90o. Đầu giường có thể nâng cao, có trợ giúp để bệnh nhân có thể ngồi dậy.

Chuẩn bị các loại gối để kê chân khi nằm.

Ghế ngồi không lún, đảm bảo khi ngồi khớp háng không gập quá 90o.

Buồng vệ sinh:

– Có vòi tắm hoa sen, có tay vịn, có ghế tựa cao, xí bệt cần được nâng cao để khi ngồi, khớp háng không gập quá 90o. Không được ngồi xổm tắm, không sử dụng bồn tắm, không được cúi múc nước.

– Các dụng cụ trợ giúp trong sinh hoạt: Ghế cao, đót giày có cán dài, dụng cụ lấy đồ có cán dài để tránh cúi gập thân khi sử dụng.

Một số tư thế người bệnh thay khớp háng cần chú ý

Tư thế nằm: Không được nằm nghiêng sang bên lành với tư thế khớp háng mổ khép và xoay trong vì dễ gây trật khớp mà nên nằm nghiêng sang bên lành với gối chèn giữa 2 chân để tránh khép và xoay trong. Nếu nằm ngửa cần kê gối chèn giữa để đảm bảo khớp háng ở vị trí trung tính: không quá dạng, không bị khép, không xoay ngoài quá mức. Luôn ngồi dậy từ bên khớp háng mổ, nhích dần chân mổ ra mép giường, sau đó từ từ đặt bàn chân xuống nền nhà rồi di chuyển nốt chân lành. Khung tập đi đặt ngay sát giường để bạn có thể di chuyển khi cần.

Đứng dậy và đi: Để khung tâp đi đối diện với bạn, đưa chân mổ choãi ra phía trước, dùng sức mạnh 2 tay để nâng thân trong tư thế không gập khớp háng quá mức.

Khi đi, không để mũi chân bên mổ xoay ra phía ngoài, không xoay quá mức vào trong hay quá đung đưa ra sau, không bắt chéo chân.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận