[Cơ xương khớp] Lưu Đồ Chẩn Đoán Và Điều Trị Chữa Bệnh Hội Chứng Chóp Xoay

HỘI CHỨNG CHÓP XOAY

1. ĐAI CƯƠNG:

1.1. Định nghĩa:

Bệnh lý chóp xoay là một trong những bệnh lý thường gặp ở khớp vai với tổn thương là rách hoặc viêm các gân cơ trong khớp vai, liên quan đến những vận động lặp đi lặp lại tại khớp vai. Bất kỳ các gân cơ nào của chóp xoay cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng tổn thương gân cơ trên gai thường gặp nhiều nhất trên lâm sàng.

1.2. Nguyên nhân:

Do nhiều nhân tố khác nhau mà có thể bị hội chứng chóp xoay.

Thoái hóa khớp.

Do sự va chạm trực tiếp hay gián tiếp.

Do làm việc quá tải ở khớp vai

Tùy theo mức độ khác nhau mà góp phần diễn tiến đến hội chứng chóp xoay.

1.3. Yếu tố nguy cơ:

Chủ yếu gặp ở tuổi trung niên và người lớn tuổi

Những môn thể thao và những hoạt động quá mức ở khớp vai thường gặp ở người trẻ. Thuốc lá và béo phì cũng là yếu tố nguy cơ trong hội chứng chóp xoay.

Những chấn thương té ngã hay va chạm trực tiếp.

2. TIỂP CẬN CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG CHÓP XOAY:

2.1. Bệnh sử:

Bệnh nhân hội chứng chóp xoay than phiền đau vai với các hoạt động hàng ngày như mặc áo hoặc chải tóc. Bệnh nhân có thể khoanh vùng đau chỗ cơ delta bên và thường mô tả cơn đau vào ban đêm, đặc biệt là khi nằm trên vai bị ảnh hưởng.

Những vận động viên thường than phiền đau trong khi chơinhững môn thể thao của họ (ví dụ: môn bóng chày, bơi tự do), yếu hoặc giảm trong thực hiện động tác ở khớp vai. Những động tác ở khớp vai thường giảm được biểu hiện như tốc độ, sự chính xác, hoặc sức chịu đựng.

Hỏi những bệnh lý tiền căn có liên quan như đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý tự miễn.

Triệu chứng đau khớp vai: đau về đêm, vị trí đau khớp vai và tính chất đau.

Yếu hay/ và mất chức năng vận động của khớp vai.

Giới hạn những vận động khớp vai.

2.2. Khám: Đánh giá hội chứng chóp xoay cần phải bộc lộ khớp vai và so sánh 2 bên. Khám vận động chủ động: bệnh nhân tự thực hiện các động tác của khớp vai.

Các vận động bình thường của khớp vai:

– Đưa ra trước: 180 độ

– Đưa ra sau: 50 độ

– Dạng: 180 độ

– Khép: 30 độ

– Xoay trong và ngoài: 90 và 80 độ.

Khám vận động chủ động: người khám thực hiện các động tác của khớp vai bệnh nhân. Các test kiểm tra hoạt động khớp vai:

– Neer test: Người khám giữ vai bệnh nhân, nâng cánh tay thụ động lên đến 180 độ và xoay trong sẽ gây đau vùng chóp xoay.

– Hawkin test: Cánh tay đưa tới trước 90 độ, khuỷu tay gập 90 độ, người khám hạ thụ động cẳng tay sẽ gây đau vùng chóp xoay.

– Yocum test: Bàn tay bên được khám đặt lên vai đối diện, nâng chủ động khuỷu tay chống lại kháng lực người khám.

– Empty can test: khuỷu tay duỗi, cẳng tay sấp và ngón 1 chỉ xuống mặt đất, bệnh nhân sẽ đau vùng chóp xoay khi nâng vùng cánh tay kháng lại lực của người khám ấn trên 1/3 dưới cánh tay.

2.3. Những dấu hiệu và triệu chứng báo động: cần khám phối hợp với các chuyên khoa khác (nội khoa, cơ xương khớp, ung bướu,…)

Không giải thích được những thay đổi ở vùng khớp vai như: sưng, đỏ ở vùng da.

Tính chất yếu rõ ràng mà không dẫn đến đau khớp vai Tiền sử có bệnh ác tính

Gợi ý có bệnh ác tính như sụt cân, chán ăn.

Sốt, ớn lạnh, khó chịu.

Không giải thích được rõ ràng sự giảm cảm giác hay vận động

Có tổn thương của bệnh phổi hay bệnh mạch máu.

2.4. Chẩn đoán phân biệt:

Viêm khớp vai: nhiễm trùng, tinh thể, viêm khớp dạng thấp.

Hoại tử vô khuẩn đầu xương cánh tay.

Loạn dưỡng đau do thần kinh: gặp trong hội chứng vai-bàn tay gây ra viêm bao khớp vai

co thắt.

Tổn thương khớp cùng vai- đòn: do sang chấn thể thao

Hiếm gặp: tràn máu khớp vai ở người già, Paget, bướu xương, bệnh lý màng hoạt dịch.

3. CẬN LÂM SÀNG HỘI CHỨNG CHÓP XOAY:

3.1. Các xét nghiệm:

– Tổng phân tích tế bào máu, tốc độ lắng máu: không thay đổi. Trong trường viêm khớp vai nhiễm trùng bạch cầu có thể tăng cao, tốc độ lắng máu tăng

– CRP: không tăng. Trường hợp nếu tăng nghĩ đến bệnh viêm khớp khác như viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng, tinh thể….

3.2. Các chẩn đoán hình ảnh:

– Xquang thường khớp vai thẳng nghiêng: có thể hình ảnh vôi hóa gân cơ. Ưu điểm là dễ thực hiện ít tốn kém giúp phân biệt các tổn thương xương khớp vai khác.

– Siêu âm khớp vai: giúp có thể tìm hình ảnh tụ dịch quay khớp, phù nề bao gân, đứt gân. Ưu điểm là dễ thực hiện ít tốn kém tuy nhiên hình ảnh còn nhiều hạn chế tùy thuộc vào kinh nghiệm người siêu âm.

– MRI khớp vai: đây là kỹ thuật cao giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý về gân cơ dây chằng khớp vai.MRI khớp vai được sử dụng để loại trừ rách chóp xoay khi điều trị bảo tồn thất bại, để đánh giá cho mức độ rách chóp xoay nghi ngờ trên lâm sàng, và để hỗ trợ trong chẩn đoán khi bệnh lý khớp vai không rõ ràng. MRI cũng có thể được sử dụng khi xác định chẩn đoán là cần thiết để hướng dẫn vận động viên chơi thể thao trở lại.

4. CHẨN ĐOÁN HỘI CHỨNG CHÓP XOAY:

4.1. Chẩn đoán xác định:

Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng nêu trên

4.2 .Chẩn nguyên nhân:

Dựa vào bệnh sử có tiền căn chấn thương, hoạt động thể thao, các hoạt động quá mức của khớp vai, các bệnh lý thoái hóa của khớp vai.

4.3. Phân biệt:

– Cần phân biệt tổn thương tại khớp vai như viêm khớp nhiễm trùng, viêm khớp dạng thấp…

4.4. Lưu đồ chẩn đoán bệnh lý chóp xoay:

lưu đồ chẩn đoán hội chứng chóp xoay

5- ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG CHÓP XOAY:

5.1. Nguyên tắc: bao gồm điều trị đợt cấp và điều trị duy trì. Kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như nội khoa, vật lý trị liệu, ngoại khoa.

5.2. Điều trị cụ thể:

5.2.1 Nội khoa:

Các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol 0,5g X 2-4 viên/ngày. Hay thuốc kết hợp với tramadol như Ultracet 2-4 viên/ngày

Thuốc kháng viêm không steroid: tùy theo tuổi tác, thể trạng và các bệnh lý kèm theo sử dụng thuốc một cách hợp lý.

Tiêm corticoid tại chỗ áp dụng cho thể viêm khớp vai đơn thuần. Tiêm thuốc vào bao gân khớp vai thường sử dụng là các muối của corticoid như depomedrol 40mg, diprospan tiêm 1 lần duy nhất, sau 3-6 tháng có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân đau trở lại. Tránh tiêm corticoid ở bệnh nhân có đứt gân bán phần do thoái hóa.

Vật lý trị liệu giúp cải thiện giới hạn vận động khớp vai sau khi điều trị nội khoa.

5.2.2 Ngoại khoa: phẫu thuật nội soi khớp vai

Chỉ định với thể giả liệt, đặc biệt ở người trẻ tuổi có đứt các gân vùng khớp vai do chấn thương.

Ở người lớn tuổi, đứt gân do thoái hóa chỉ định ngoại khoa thận trọng

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Stephen M Simons, MD, FACSM. David Kruse, MD (Up todate 2014)

Phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp (Trần Ngọc Ân- Nguyễn Thị Ngọc Lan) năm 2013

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận